+1 (234) 234-2345
menu
person

Điều lệ hoạt động Môn phái Bình Nam Đạo
CHƯỞNG MÔN   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG

 

LỜI NÓI ĐẦU

Võ thuật là một môn nghệ thuật truyền thống có mặt ở mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới với những đặc trưng riêng biệt làm nên bản sắc văn hóa vùng miền mang đậm tính nhân văn chủ nghĩa. Võ thuật không chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân mà còn tu dưỡng tâm hồn cho người học. Chính vì thế, người yêu thích và say mê võ thuật đã tìm đến các môn phái võ thuật như tìm đến một sân chơi lành mạnh, món ăn tinh thần bổ dưỡng để kiện toàn về thể chất, tu dưỡng về tinh thần và thông suốt về trí tuệ. Trong đó, các vị Giáo sư chính là chiếc cầu nối, chất kết dính giữa võ và đời, giữa người học với môn phái, cho nên từ xưa đến nay họ đã cố công, ra sức cổ súy và giáo huấn cho môn sinh theo đúng con đường “võ đạo vị nhân sinh” và tinh thần cao quý đó được gọi là “tinh thần thượng võ” với phương châm “đạo võ là đạo đời”. Người học võ không chỉ để biết đấm, đá, gạt, đỡ là đủ mà còn phải biết tu rèn đạo đức. Phẩm chất cao quý của con nhà võ là "dụng võ vị nhân sinh”, luôn xem lời thầy dạy là khuôn vàng thước ngọc mà cất giữ cho riêng mình, để sau này khi đã trưởng thành mà dụng tài trí sao cho phù hợp với thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Học võ là học đạo làm người, dạy võ là dạy tâm cho đời, lấy tâm mà soi xét mọi việc, dùng tâm mà thấu hiểu mọi điều. Không nên vướng vào vòng danh lợi mà đánh mất phẩm chất con nhà võ, phẩm chất đó được trui rèn bằng sự khổ luyện thanh cao.

Đặc biệt, võ thuật trong công cuộc hội nhập quốc tế thì hành trình của võ thuật đang vận hành theo hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Để phát huy truyền thống tốt đẹp đó và để môn phái hoạt động đúng theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật, đồng thời giúp cho môn sinh tuân thủ môn quy một cách thông suốt nên Chưởng môn Võ Văn Thái đã nghiên cứu và xây dựng nên các thể lệ quy định chung cho môn phái bao gồm nội dung:

Chương I: Các quy định chung;

Chương II: Cơ chế hoạt động;

Chương III: Bộ máy tổ chức;

Chương IV: Điều hành chuyên môn;

Chương V: Đơn vị sự nghiệp;

Chương VI: Tiêu chí môn sinh;

Chương VII: Chương trình đào tạo;

Chương VIII: Tài chính ngân sách;

Chương IX: Quy tắc thưởng phạt;

Chương X: Điều khoản thi hành.

* Ghi chú: Bản Điều lệ là tài liệu học tập dành cho môn sinh các cấp.


Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tuyên hiệu môn phái

1. Tên gọi môn phái:

a) Tên chính thức tiếng Việt: Môn phái Bình Nam Đạo;

b) Tên gọi tắt tiếng Việt: Bình Nam Đạo;

c) Tên viết tắt tiếng Việt: MPBND;

d) Tên giao dịch quốc tế: Binh Nam Dao Sect;

d) Tên gọi tắt quốc tế: Binado;

e) Tên viết tắt quốc tế: BNDS.

2. Ngày lễ môn phái:

a) Ngày thành lập: Ngày 20 tháng 5 năm 2005 (dương lịch).

b) Ngày truyền thống: Ngày 07 tháng 01 (âm lịch).

c) Ngày nhập môn: Ngày 10 tháng 3 (âm lịch).

d) Ngày giỗ tổ: Ngày 29 tháng 7 năm 1792 (âm lịch).

e) Ngày bế môn: Ngày 23 tháng 12 (âm lịch).

3. Nơi lập môn phái: Số nhà 374, Đường Nguyễn Thị Định, Tổ 2B, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, Việt Nam.

4. Người lập môn phái: Chưởng môn Võ Văn Thái.

5. Sáng tổ môn phái:

a) Tổ sư môn phái: Thủy tổ Kinh Dương Vương (2919 – 2792 TCN);

b) Thánh sư môn phái: Hoàng đế Quang Trung (1753 – 1792);

c) Tiên sư môn phái: Đại sư Võ Văn Minh (1858 – 1939);

d) Thiền sư môn phái: Đại sư Võ Văn Công (1911 – 2006);

e) Tông sư môn phái: Đại sư Võ Văn Trí (1957 – 2005).

Điều 2. Biểu trưng môn phái

1. Phù hiệu môn phái: Hình tròn, nền trắng viền đỏ, ở giữa âm dương màu đỏ (trên) đen (dưới), chữ Vạn vàng nằm trong chiếc lá màu xanh năm cánh, hai bên mặt trời tám tia màu đỏ, xung quanh chữ màu đỏ BÌNH NAM ĐẠO ở vòng cung trên và BINADO ở vòng cung dưới.

2. Kỳ hiệu môn phái: Hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài, nền trắng viền rộng bằng một phần mười (1/10) chiều dài với màu đen cạnh dưới – màu xanh cạnh trái – màu đỏ cạnh trên – màu vàng cạnh phải, ở giữa phù hiệu môn phái bằng hai phần năm (2/5) chiều rộng kỳ hiệu.

3. Huy hiệu môn phái: Hình lăn khiên, nền trắng viền đỏ, ở giữa phù hiệu môn phái, hai bên mặt trời tám tia màu xanh, xung quanh có chữ in hoa màu đỏ BÌNH ĐẲNG - NHÂN VĂN – ĐOÀN KẾT ở vòng cung trên và EQUALITY – HUMANITIES – SOLIDARITY ở vòng cung trên.

4. Khẩu hiệu môn phái: Võ công rèn tài trí – Võ đạo luyện đức tâm.

5. Ca hiệu môn phái: Nhạc lời bài hát Khỏe vì nước, tác giả Hùng Lân.

Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia.

Đoàn thanh niên ta góp tài ba.

Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.

Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam...

 

Khỏe vì nước chí khí cương kiên.

Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.

Trong khó nguy can trường sinh thác ta coi thường.

Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm...

 

Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ!

Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.

Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng.

Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung.

Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc.

Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc.

Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần.

Cho dân khí phương cường và hưng phấn.

Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân.

Điều 3. Thập niệm môn phái

1. Điều 01: Phải yêu Nước, thương Nòi.

2. Điều 02: Phải kính Tổ, trọng Thầy.

3. Điều 03: Phải quý Bạn, mến Khách.

4. Điều 04: Phải rèn Đức, luyện Tài.

5. Điều 05: Phải bền Tâm, vững Trí.

6. Điều 06: Không lừa Trên, dối Dưới

7. Điều 07: Không khen Mình, chê Người

8. Điều 08: Không tham Phú, phụ Bần

9. Điều 09: Không trộm Của, cướp Công

10. Điều 10: Không thắng Kiêu, bại Nản.

Điều 4. Tiêu chí môn phái

1. Thời gian hoạt động: Môn phái hoạt động với thời gian là vô hạn định.

2. Tôn chỉ hoạt động: Bình đẳng – Nhân văn – Đoàn kết.

3. Mục đích hoạt động: Bảo tồn – Nghiên cứu – Đào tạo.

4. Lĩnh vực hoạt động: Võ thuật – Võ y – Võ nghệ.

5. Ngôn ngữ chính thức bằng tiếng Việt, ngôn ngữ giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh. Các văn bản chính thức bằng tiếng Việt và tiếng Anh đều có giá trị pháp lý ngang nhau.

Điều 5. Nguyên tắc môn phái

1. Tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

2. Tập trung, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Lấy võ đạo làm kim chỉ nam hành động, không vì mục đích lợi nhuận.

4. Các môn sinh luôn gắn bó mật thiết với nhau như con một cha, thương yêu, dìu dắt nhau như anh em ruột một nhà.

5. Tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật và Điều lệ môn phái.


Chương II

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG

Điều 6. Phạm vi môn phái

1. Môn phái hoạt động trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và có thể mở rộng thêm chi nhánh ra nước ngoài theo Pháp luật hiện hành.

2. Trụ sở tạm thời của môn phái tạm thời đóng tại số nhà 374, Đường Nguyễn Thị Định, Tổ 2B, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, Việt Nam.

3. Môn phái có thể thiết lập một Trung tâm huấn luyện võ thuật (Tổng/Liên/Phân/Chi/Hiệu đường) tại các thành phố hay địa điểm đông dân cư với sự chấp thuận của chính quyền địa phương sở tại.

4. Môn phái có thể thiết lập những Võ đường vệ tinh tại các địa điểm dân cư cấp dưới của Trung tâm huấn luyện với sự chấp thuận của chính quyền địa phương sở tại.

5. Môn phái có thể mở văn phòng đại diện đặt tại các Trung tâm hoặc Võ đường để quản lý khu vực theo đơn vị hành chính.

Điều 7. Thiết chế môn phái

1. Môn phái là một tổ chức quần chúng mang tính truyền thống, quy tụ các nam nữ thanh thiếu niên và người tự nguyện đăng ký học, gia nhập.

2. Môn phái có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, trang tin điện tử riêng, tuân theo Hiến pháp, Pháp luật và Điều lệ riêng của môn phái.

3. Môn phái có thể cho ra lệnh hoặc đồng ý để cho các Trung tâm hoặc Võ đường tạm ngưng hoạt động vì một vài lý do khách quan cho đến khi vượt qua những trở ngại đó.

4. Môn phái có thể cho phép các Trung tâm hoặc Võ đường tổ chức sinh hoạt theo huy hiệu và lề lối riêng được gọi là Đường quy nhưng vẫn đảm bảo đúng theo Điều lệ và Pháp luật (Quy chế tổ chức các Trung tâm hoặc Võ đường này sẽ được minh định trong một văn kiện đặc biệt).

5. Môn phái giảng dạy kiến thức cho môn sinh về tinh thần võ đạo, tính kỷ luật và tình đồng đạo trong giờ giáo dục tinh thần nhưng không bàn đến các vấn đề liên quan đến chính trị hay tôn giáo bất kỳ.

Điều 8. Quyền hạn môn phái

1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của môn phái.

2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và quyết định thưởng phạt môn sinh trong quá trình hoạt động.

3. Tham gia, ý kiến vào các loại văn bản, sự kiện liên quan đến lĩnh vực hoạt động môn phái.

4. Phối hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ, gây quỹ hoạt động và thực thi nhiệm vụ.

5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, truyền bá võ học, thi cấp bậc và phát chứng nhận.

Điều 9. Nhiệm vụ môn phái

1. Tổ chức, phát triển phong trào võ thuật theo đường lối thể thao và Pháp luật hiện hành.

2. Tăng cường hợp tác hữu nghị với các Liên đoàn võ thuật và Môn phái bạn ở trong và ngoài nước.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để biên soạn, xuất bản tài liệu, gây quỹ hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo tài năng và phát triển nguồn lực.

4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, truyền bá võ học, thi đấu biểu diễn, thi cấp bậc và phát chứng nhận.

Điều 10. Phân cấp môn phái

Môn phái có các cấp quản lý theo đơn vị hành chính như sau:

1. Hiệu đường (cấp huyện): Quản lý trực tiếp các Võ đường ở các xã phường.

2. Chi đường (cấp tỉnh): Quản lý trực tiếp các Hiệu đường ở các huyện thị.

3. Phân đường (cấp quốc gia): Quản lý trực tiếp các Chi đường ở các tỉnh thành.

4. Liên đường (cấp châu lục): Quản lý trực tiếp các Phân đường ở các quốc gia.

5. Tổng đường (cấp quốc tế): Quản lý trực tiếp các Liên đường ở các châu lục.


Chương III

BỘ MÁY TỔ CHỨC

Điều 11. Đại hội môn phái

1. Thời gian Đại hội

a) Đại hội môn phái phải họp định kỳ 05 năm 01 lần;

b) Trường hợp đặc biệt, Hội đồng Quản trị môn phái sẽ triệu tập Đại hội bất thường;

c) Hàng năm, môn phái sẽ tổ chức Hội nghị thường niên để họp Hội đồng Quản trị nhằm tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động trong năm và đề ra phương hướng, kế hoạch cho năm tới với thời gian tổ chức Hội nghị phải trước ngày Đại hội môn phái 02 tuần lễ (nếu năm đó có tổ chức Đại hội);

d) Các Ban chuyên trách và Hội đồng Quản đốc Trung tâm họp định kỳ 03 tháng 01 lần vào chủ nhật của tuần đầu tiên trong tháng đầu tiên của quý và cuối năm họp trước Hội nghị thường niên 02 ngày;

e) Hội đồng Quản nhiệm Võ đường họp định kỳ mỗi tháng 01 lần vào chủ nhật của tuần đầu tiên trong tháng và trước ngày họp của các Ban chuyên trách và Hội đồng Quản đốc 01 ngày (nếu tháng đó có họp các Ban chuyên trách và Hội đồng Quản đốc);

2. Đại hội môn phái được tổ chức tại tổ đường dưới sự chủ trì của Chưởng môn (ngoại trừ trường hợp ngoại lệ ở Điểm c của Khoản 3 thuộc Điều 12).

3. Quyền hạn và nhiệm vụ của Đại hội:

a) Báo cáo thực hiện công tác trong 05 năm vừa qua;

b) Xét và thông qua phương hướng cũng như kế hoạch cho 05 năm tiếp theo;

c) Lấy ý kiến toàn thể Đại hội đúc kết, thẩm tra báo cáo Trưởng tràng;

d) Thẩm tra và quyết định kinh phí hoạt động;

e) Lấy ý kiến Đại hội đề xuất Chưởng môn sửa đổi Điều lệ môn phái (nếu có);

4. Đại biểu chính thức tham dự Đại hội:

a) Đại biểu chính thức tham dự Đại hội môn phái các cấp như sau:

- Cấp Hiệu đường: Môn sinh hữu quyền (từ cấp 05 trở lên)

- Cấp Chi đường: Môn sinh hữu quyền (từ cấp 09 trở lên)

- Cấp Phân đường: Môn sinh hữu quyền (từ cấp 13 trở lên)

- Cấp Liên đường: Môn sinh hữu quyền (từ cấp 17 trở lên)

- Cấp Tổng đường: Môn sinh hữu quyền (từ cấp 20 trở lên)

b) Đại biểu chính thức tham dự Đại hội môn phái là tất cả các môn sinh hữu quyền (từ cấp 20 trở lên);

c) Đại biểu tham dự Hội nghị thường niên bao gồm tất cả các thành viên Hội đồng Quản trị, Hội đồng Quản đốc và Hội đồng Quản nhiệm.

d) Số lượng đại biểu tham dự Đại hội môn phái do Hội đồng Quản trị quy định;

e) Phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu được triệu tập (Đại hội mới có giá trị);

5. Thể thức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín:

a) Thành phần cử tri bao gồm tất cả các môn sinh hữu quyền tham dự Đại hội;

b) Định túc số của thành phần cử tri tham dự đầu phiếu là ba phần tư (3/4) tổng số cử tri hữu quyền của môn phái (biểu quyết hoặc đầu phiếu với thành phần cử tri ít hơn định túc số này vô giá trị);

c) Các cử tri không được ủy nhiệm, đại diện cho ai hành sử quyền đầu phiếu này;

d) Phải hội đủ hai phần ba (2/3) tổng số phiếu hợp lệ của định túc số cử tri mới được chọn (nếu không có tiêu chí nào hội đủ điều kiện này, sẽ bầu lại vòng thứ 02 khi đó tiêu chí nào được nhiều phiếu hơn sẽ được chọn);

e) Biên bản kết quả cuộc đầu phiếu này phải được làm ngay sau khi tuyên đọc kết quả cuộc khui thăm và phải gồm đủ chữ ký của các cử tri hiện diện trong cuộc đầu phiếu.

Điều 12. Chưởng môn môn phái

1. Quyền hạn Chưởng môn:

a) Chưởng môn là người đại diện pháp nhân cao nhất của môn phái;

b) Chưởng môn có sứ vụ chỉ đạo điều hành môn phái và quản trị các Trung tâm cũng như Võ đường;

c) Chưởng môn trực tiếp quyết định thành lập Hội đồng Quản trị, gồm 05 Ban chuyên trách như sau: Quản trị, Nghiên cứu, Huấn luyện, Ngoại vụ và Cố vấn;

d) Chưởng môn trực tiếp quyết định thành lập Hội đồng Quản đốc, gồm 05 Ban chuyên trách như sau: Quản đốc, Nghiên cứu, Huấn luyện, Ngoại vụ và Cố vấn;

e) Chưởng môn trực tiếp quyết định thành lập Hội đồng Quản nhiệm, gồm 05 Ban chuyên trách như sau: Quản nhiệm, Nghiên cứu, Huấn luyện, Ngoại vụ và Cố vấn;

2. Nhiệm vụ Chưởng môn:

a) Chưởng môn quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm các thành viên trong Hội đồng Quản trị, Hội đồng Quản đốc và Hội đồng Quản nhiệm bằng sự vụ lệnh trực tiếp;

b) Chưởng môn phê duyệt, ký các văn bản quan trọng trong môn phái;

c) Chưởng môn đại diện môn phái chứng nhận cấp bậc cho môn sinh;

d) Chưởng môn xác nhận trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Trọng tài, Giáo viên và Vận động viên các cấp;

e) Chưởng môn hoạch định đường lối, phương hướng phát triển môn phái, Trung tâm và Võ đường một cách bền vững;

3. Truyền thừa Chưởng môn:

a) Nếu Chưởng môn thoái vị thì sẽ trở thành cố vấn tối cao và người kế nhiệm sẽ do Chưởng môn chỉ định thay thế;

b) Nếu Chưởng môn qua đời có để lại di chúc thì Chưởng môn kế nhiệm sẽ là người có tên ghi trong di chúc;

c) Nếu Chưởng môn qua đời có để lại di chúc nhưng không ghi tên người kế nhiệm hoặc không để lại di chúc thì Trưởng tràng sẽ tạm thời xử lý thường vụ sứ vụ Chưởng môn để triệu tập một Đại hội bất thường vào ngày đầu của tháng thứ 04 (tính từ ngày Chưởng môn qua đời) với mục đích bầu tân Chưởng môn;

d) Sự đề cử các ứng cử viên tân Chưởng môn sẽ có tính bắt buộc như sau:

- Trưởng tràng hay người kế nhiệm được qui định ở Điểm b và Điểm c của Khoản 3 thuộc Điều này

- 02 vị Giáo sư có cấp đai cao nhất, được tính theo trình tự thâm niên tập luyện (không kể thời gian gián đoạn) rồi mới đến cao niên tuổi tác

e) Các vị này không có quyền thoái nhiệm khi trúng cử;

4. Tấn phong Chưởng môn:

a) Trưởng tràng triệu tập Đại hội để tấn phong tân Chưởng môn vào:

- 03 ngày sau khi tang lễ (trong trường hợp có để lại di chúc truyền kế)

- 03 ngày sau khi lập biên bản đắc cử (trường hợp không để lại di chúc, hay có để lại di chúc nhưng không ghi tên người kế nhiệm)

b) Tân Chưởng môn sẽ tuyên thệ nhậm chức và chấp lãnh ấn tín Chưởng môn trước bàn thờ Tổ sư, cùng sự chứng kiến của toàn thể Đại hội tấn phong;

c) Lễ tiết tấn phong được quy định bởi một văn kiện đặc biệt và được cử hành theo đúng nghi thức truyền thống môn phái trong định giới Đại hội;

d) Sau khi lễ tấn phong hoàn tất, một biên bản theo mẫu gồm chữ ký của các môn sinh hữu quyền (cấp 20 trở lên) chứng kiến sẽ được công bố trễ nhất là 24 giờ sau khi chữ ký cuối cùng được lấy xong tại Đại hội trước toàn thể môn sinh và công luận bằng văn thư và mọi thể thức thông đạt khả hữu khác;

e) Các ngoại nhân hay môn sinh vô thẩm quyền không được dự lễ tấn phong này;

5. Tư cách Chưởng môn:

a) Luôn tu dưỡng đạo đức tác phong, ngôn phong chuẩn mực;

b) Luôn phấn đấu học tập, trao dồi tri thức bản thân;

c) Luôn xem đồ đệ như ruột thịt, huyết thống tình thâm;

d) Luôn dốc lòng truyền thụ võ thuật, võ nhạc, võ y, võ lý và tinh thần võ đạo;

e) Luôn đặt Tổ quốc lên hàng đầu và thượng tôn Hiến pháp, Pháp luật và Điều lệ của môn phái;

Điều 13. Trưởng tràng

Trưởng tràng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của môn phái:

1. Chủ trì các cuộc họp Hội đồng Quản trị và Ban quản trị.

2. Báo cáo trước Hội đồng Quản trị về dự thảo báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động để đọc tại Hội nghị thường niên và Đại hội môn phái.

3. Phối hợp mọi hoạt động các Ban chuyên trách để tìm hiểu ưu, khuyết điểm các thành viên Hội đồng Quản trị, Hội đồng Quản đốc, Hội đồng Quản nhiệm và kiểm soát phong độ, hành động của môn sinh, đồ đệ, cùng đề nghị các biện pháp thích hợp về thưởng phạt và cải tiến.

4. Kiểm soát sự thu, chi của Cán tràng và phối kiểm mọi tài liệu ấn hành trong sinh hoạt: Học tập, lưu hành, thông tin, báo chí, quảng cáo.

5. Phối hợp với các Ban chuyên trách để kiểm soát, đôn đốc hoạt động Hội đồng Quản trị, Hội đồng Quản đốc hoặc Hội đồng Quản nhiệm.

Điều 14. Giám tràng

Giám tràng kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị có nhiệm vụ:

1. Giúp việc cho Trưởng tràng theo sự phân công trực tiếp.

2. Điều hành văn phòng Tổ đường, phụ trách công tác văn thư, lưu trữ thông tin.

3. Thông báo và lập biên bản các phiên họp Hội đồng Quản trị và Ban chuyên trách.

4. Lập hồ sơ danh tính và cấp bậc các môn sinh.

5. Báo cáo tổng kết hoạt động và phương hướng phát triển trước Chưởng môn và Hội đồng Quản trị trong Hội nghị thường niên và Đại hội môn phái.

Điều 15. Cán tràng

Cán tràng kiêm nhiệm Ủy viên Hội đồng Quản trị có nhiệm vụ:

1. Giúp việc cho Trưởng tràng theo sự phân công trực tiếp.

2. Điều hành các ban trong Hội đồng Quản trị, phụ trách công tác hậu cần.

3. Chịu trách nhiệm công tác tài chính.

a) Phối hợp với các Ban chuyên trách để khuếch trương tài sản, lợi tức và ngân quỹ;

b) Lập kế hoạch tài chính và quyết toán thu chi hằng năm để báo cáo Chưởng môn và Hội đồng Quản trị;

c) Thường xuyên chịu sự kiểm soát tài chính của Chưởng môn và Trưởng tràng;

d) Quản trị tài sản, lợi tức và ngân quỹ (thể thức Quản trị theo Điều khoản tại Chương VIII);

e) Báo cáo và tường trình về mọi chất chính trước Đại hội và Hội nghị về tinh hình tài chính môn phái;

4. Thay mặt Ban quản trị giải quyết các công việc chung.

5. Theo dõi hoạt động Hội đồng Quản trị, Hội đồng Quản đốc và Hội đồng Quản nhiệm.

5. Xây dựng quy tắc đạo đức, hòa giải mâu thuẫn nội bộ và quyết định thưởng phạt môn sinh trong quá trình hoạt động.

Category: Quy tắc/Rules | Added by: Admin (2019-05-03) | Author: GM Vo Van Thai E W
Views: 258 | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar